Tài chính doanh nghiệp chính là thuật ngữ dùng để mô tả cho những công cụ, công việc quan trọng trong hệ thống tài chính của doanh nghiệp. Tài chính doanh nghiệp là một bộ phận của hệ thống tài chính, là một hệ thống các quan hệ kinh tế dưới hình thái giá trị phát sinh trong quá trình tạo lập và phân phối nguồn tài chính và quỹ tiền tệ, quá trình tạo lập và chu chuyển nguồn vốn của doanh nghiệp nhằm phục vụ mục đích sản xuất để đạt được mục tiêu chung của doanh nghiệp đó.
Đặc điểm của tài chính doanh nghiệp:
– Hoạt động của tài chính doanh nghiệp luôn gắn liền và phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
– Hoạt động của tài chính doanh nghiệp bị chi phối bởi tính chất sở hữu vốn trong mỗi doanh nghiệp.
– Hoạt động của tài chính doanh nghiệp luôn bị chi phối bởi mục tiêu lợi nhuận.
Những công việc nằm trong lĩnh vực này bao gồm việc đọc các báo cáo tài chính, quản lý dòng tiền, phân tích báo cáo lợi nhuận và lỗ để từ đó tạo ra bảng cân đối kế toán và dòng tiền lưu chuyển trong doanh nghiệp. Những công việc này đều liên quan đến nhau trong quá trình quản lý tài chính doanh nghiệp.
Mỗi doanh nghiệp đều có báo cáo tài chính riêng hay còn gọi là bảng cân đối kế toán. Đây chính là một bảng báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tổng quát toàn bộ giá trị tài sản hiện có và nguồn hình thành tài sản đó vào một thời điểm nhất định. Dựa trên những báo cáo tài chính này, doanh nghiệp đánh giá một cách khái quát vể khả năng sinh lời của đồng vốn đầu tư vào doanh nghiệp. Nó còn cho biết quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã đem lại lợi nhuận hay gây ra tình trạng lỗ vốn. Những báo cáo này còn chỉ ra việc doanh nghiệp đang thiếu hụt nguồn vốn thì người quản trị tài chính doanh nghiệp sẽ dựa trên những công cụ tài chính doanh nghiệp để lập kế hoạch chiến lược giúp khắc phục sự thiếu hụt đó.
Ngoài ra, báo cáo tài chính doanh nghiệp cũng cung cấp đầy đủ thông tin về dòng chảy tiền tệ trong doanh nghiệp. Ví dụ như doanh nghiệp đang có lợi nhuận nhưng lại không có vốn lưu động thì tài chính doanh nghiệp sẽ giúp người đọc thấy rõ ràng được tiền đã chảy đi đâu.
Dựa trên báo cáo tài chính, doanh nghiệp sẽ lập ra kế hoạch tài chính giúp cho doanh nghiệp có một nền tảng tài chính để thực hiện được những dự án và kế hoạch kinh doanh. Kế hoạch tài chính cũng chính là bản tổng hợp dự kiến trước nhu cầu tài chính cho hoạt động của doanh nghiệp. Lập kế hoạch tài chính sẽ giúp doanh nghiệp dự kiến được báo cáo kết quả kinh doanh và chính sách phân phối lợi nhuận; Dự kiến nhu cầu tài chính thông qua bảng cân đối kế toán mẫu của doanh nghiệp; Dự kiến kế hoạch lưu chuyển tiền tệ; Lựa chọn các biện pháp tổ chức, điều chỉnh, đảm bảo nguồn lực tài chính được sử dụng hiệu quả. Doanh nghiệp cần phải lập kế hoạch tài chính dài hạn và kế hoạch tài chính ngắn hạn phù hợp với nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.
Ví dụ như: khi doanh nghiệp có ý tưởng sẽ giới thiệu một sản phẩm mới, tài chính doanh nghiệp là công cụ có thể giúp bạn biết được bạn sẽ cần phải chi trả bao nhiêu tiền cho sản phẩm đó. Nó còn giúp tổng hợp những thông tin đầy đủ về nghiên cứu, phát triển cũng như các chi phí về marketing và chi phí các thiết bị máy móc cần thiết. Ngoài ra, lập kế hoạch chiến lược tài chính có thể giúp bạn dự toán được số lượng sản phẩm bạn cần phải bán ra để có thể bù đắp đủ những chi phí ban đầu khi tung ra những sản phẩm đó. Lập kế hoạch chiến lược là một phần trong tài chính doanh nghiệp, kế hoạch chiến lược sẽ giúp bạn có thể biết được công ty của bạn có thể thành công với các mục tiêu tài chính ngắn hạn hay không.
Khi doanh nghiệp đã có kế hoạch tài chính ngắn hạn và dài hạn, doanh nghiệp sẽ cần phải quản trị các tùy chọn liên quan đến tài chính. Với việc tính toán các khoản cần phả trả lãi và tiền gốc, khi kết hợp với các báo cáo tài chính hiện tại để từ đó sẽ có được những kế hoạch vay vốn và kế hoạch trả nợ như thế nào. Với các tùy chọn tài chính và kế hoạch chiến lược sẽ giúp doanh nghiệp của bạn có thể sở hữu lượng tiền ổn định và nhiều hơn trong thời gian dài.
Vậy, hoạt động và mục tiêu mà tài chính doanh nghiệp hướng tới chính là tạo ra các dòng tiền vào lớn hơn các dòng tiền ra, qua đó làm tăng giá trị cho doanh nghiệp.